KẾT QUẢ XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH CTNN THÔNG MINH (CSA) THÍCH ỨNG VỚI BĐKH Ở TỈNH BÌNH THUẬN

admin03/12/2018 10:28 PM

TÓM TẮT BÁO CÁO

1. Mục tiêu

Đây là mô hình ứng dụng và được nhân rộng từ kết quả nghiên cứu – phát triển, mô hình này đã, đang thực hiện trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, trong cả nước trong một thời gian qua nên đưa vào ứng dụng tại vùng đất cát tỉnh Bình Thuận trong 1 năm sẽ có kết quả mong đợi như sau:

- Ứng dụng các giống cây trồng cạn (lạc, đậu các loại, cỏ thức ăn chăn nuôi) và các biện pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH ở vùng đất cát tỉnh Bình Thuận để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân và góp phần giảm được sự thoái hóa đất, hoang mạc hóa.

- Đào tạo, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH (thoái hóa đất và hoang mạc hóa) ở vùng đất cát khu vực triển khai dự án.

- Công tác này hỗ trợ trực tiếp cho hợp phần xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp thông minh của chương trình hợp tác song phương giữa Bỉ và Việt Nam, tập trung xây dựng mô hình trên vùng đất cát tại một số xã của huyện Bắc Bình đang bị thoái hóa đất và hoang mạc hóa. Hoạt động này cũng sẽ giúp tăng cường hiểu biết của một số ban ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh Bình Thuận về một số biện pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH để có định hướng áp dụng trong thời gian tới.

2. Giới hạn phạm vi

Quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa và những dự báo nguy cơ tác động và các biện pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH, ngăn ngừa hiệu quả ảnh hưởng của nó ở vùng đất cát huyện Bắc Bình (tập trung 03 xã Hòa Thắng, Bình Tân và Hồng Phong phù hợp để phát triển sản xuất một số cây trồng cạn thích ứng với BĐKH).

Thời gian thực hiện: 11 tháng (Từ tháng 9/2017 – 8/2018)

3. Các nội dung

3.1. Nội dung 1: Hoạt động, phối hợp xác định các xã tham gia thực hiện mô hình

Phối hợp thảo luận với Ban Điều phối dự án và các bên liên quan, xác định cụ thể các xã sẽ thực hiện các mô hình của dự án.

Tiến hành đi điều tra thực địa huyện Bắc Bình, làm việc với phòng Nông nghiệp, UBND huyện Bắc Bình, xuống địa bàn xác định 03 xã thực hiện dự án là Hòa Thắng, Bình Tân, Hồng Phong và thống nhất loại cây trồng nhằm phù hợp với điều kiện và nhân lực tại địa phương.

3.2. Nội dung 2: Điều tra cơ bản

Điều tra cơ bản (số liệu nền) về hiện trạng sản xuất lạc, đậu, đất lúa thiếu nước, nguồn thức ăn gia súc của một số xã trước khi tham gia mô hình và xác định giải pháp phù hợp, ưu tiên triển khai thực hiện cho từng mô hình tại Bắc Bình – Bình Thuận.

- Phối hợp với Ban Điều phối dự án và một số xã vùng dự án của Bắc Bình để điều tra cơ bản, xác định giải pháp phù hợp, ưu tiên thực hiện tại từng mô hình;

- Điều tra cơ sở huyện, xã 60 phiếu; Điều tra nông hộ 240 phiếu tập trung tại các xã trọng điểm sản xuất lạc, đậu, đất lúa thiếu nước, hộ chăn nuôi bò; Xử lý số liệu điều tra;

- Viết báo cáo kết quả điều tra.

3.3. Nội dung 3: Xây dựng mô hình trình diễn

Xây dựng 3 mô hình trình diễn về ứng dụng các giống cây trồng cạn (lạc, đậu, cỏ thức ăn chăn nuôi) và các biện pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH ở vùng đất cát.

3.3.1. Nội dung 3.1: Chọn hộ: Phối hợp với Ban Điều phối dự án và địa phương chọn địa điểm và các hộ tham gia mô hình;

3.3.2. Nội dung 3.2: Xây dựng mô hình ứng dụng giống và giải pháp kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với BĐKH:

a. Mô hình chuyển đổi canh tác đậu phộng (lạc) chịu hạn thích ứng với BĐKH và tưới nước tiết kiệm trên đất cát  kém hiệu quả

- Kỹ thuật ứng dụng

+ Sử dụng các giống lạc chịu hạn.

+ Tưới nước cho lạc theo chảo bốc thoát hơi nước - Minipan (tưới đúng thời điểm và lượng nước tưới cho cây lạc thông qua lượng bốc thoát hơi nước).

- Khả năng thích ứng với BĐKH

+ Tăng cường khả năng chịu hạn nhờ sử dụng giống chịu hạn và giảm lượng nước tưới.

+ Giảm tổn thất nguồn tài nguyên nước do tưới đúng thời điểm và đúng lượng.

+ Giảm thiểu phát thải khí nhà kính do giảm thất thoát phân bón vì tưới nước không hợp lý.

+ Cải tạo đất, cải tạo môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững.

- Đầu ra của mô hình: Nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất cát từ 15 - 20% và giảm phát thải khí nhà kính.

- Quy mô diện tích: 5,5 ha (vụ Đông Xuân: 5,5 ha).

b. Mô hình chuyển đổi canh tác đậu chịu hạn thích ứng với BĐKH và tưới nước tiết kiệm trên đất cát kém hiệu quả

- Kỹ thuật ứng dụng

+ Sử dụng các giống đậu chịu hạn.

+ Tưới nước cho đậu theo chảo bốc thoát hơi nước - Minipan (tưới đúng thời điểm và lượng nước tưới cho cây đậu thông qua lượng bốc thoát hơi nước).

- Khả năng thích ứng với BĐKH

+ Tăng cường khả năng chịu hạn nhờ sử dụng giống đậu chịu hạn và tăng diện tích che phủ mặt đất bằng việc trồng tăng mật độ đậu.

+ Giảm tổn thất nguồn tài nguyên nước do tưới đúng thời điểm và đúng lượng.

+ Giảm thiểu phát thải khí nhà kính do giảm thất thoát phân bón vì tưới nước không hợp lý.

+ Cải tạo đất, cải tạo môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững.

- Đầu ra của mô hình: Nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất kém hiệu quả từ 15 - 20% và giảm phát thải khí nhà kính.

- Quy mô diện tích: 2 ha (vụ Đông Xuân: 2 ha).

c. Mô hình canh tác cỏ thích ứng với BĐKH và tưới nước tiết kiệm trên đất kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn phục vụ chăn nuôi gia súc lớn.

- Kỹ thuật ứng dụng

+ Sử dụng các giống cỏ có tỷ lệ khô/ tươi cao và thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 3 tháng hoặc chu kỳ thu hoạch 45 - 60 ngày/ lần cắt).

+ Canh tác cỏ trong mùa khô và mùa mưa trên đất màu kém hiệu quả.

- Khả năng thích ứng với BĐKH

+ Tăng cường sử dụng nguồn tài nguyên nước trong mùa khô và mùa mưa trên vùng đất hoang mạc hóa (đất có nguy cơ khô hạn cao) để tạo sinh khối thức ăn thô xanh cho gia súc.

+ Giảm thiểu xói mòn và rửa trôi đất nhờ che phủ bằng thực vật.

+ Tăng nguồn dự trữ thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ở vùng khô hạn.

- Đầu ra của mô hình: Nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất màu có nguy cơ khô hạn từ 15 - 20% và giảm phát thải khí nhà kính.

- Quy mô diện tích: 2,5 ha (vụ Đông Xuân: 2,5 ha).

3.3.3. Nội dung 3.3: Tổ chức 3 hội nghị đầu bờ tại 3 điểm triển khai mô hình.

Mỗi hội nghị đầu bờ có 50 người tham dự, thời gian 0,5 ngày/điểm, đại biểu tham dự mời trên quy mô toàn huyện để nhân rộng mô hình.

3.4. Nội dung 4: Tham quan, đào tạo, tập huấn

3.4.1. Nội dung 4.1: Tham quan học tập

- Quy mô:

+ Tổ chức 01 đợt tham quan học tập.

+ Số lượng: 30 người.

+ Số ngày tham quan: 3 ngày.

- Địa điểm: Tại vùng chuyển đổi trồng lạc, trồng đậu chính trên đất cát kém hiệu quả thiếu nước và vùng trồng cỏ trên đất kém hiệu quả

- Đối tượng tham quan: Cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã, nông dân chủ chốt và hộ tham gia xây dựng mô hình.

3.4.2. Nội dung 4.2: Đào tạo tiểu giáo viên (ToT) cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nông dân chủ chốt.

- Quy mô:

+ Tổ chức 03 lớp đào tạo tiểu giáo viên (ToT).

+ Số lượng: 10 người/lớp x 3 lớp = 30 người.

+ Số ngày đào tạo: 3 ngày/ lớp x 3 lớp.

- Địa điểm: Tại các xã chọn triển khai mô hình.

- Đối tượng đào tạo: Cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã, nông dân chủ chốt.

3.4.3. Nội dung 4.3: Tập huấn

- Quy mô:

+ Tổ chức 06 lớp tập huấn kỹ thuật.

+ Số lượng: 50 người/ lớp x 2 lớp/ mô hình x 3 mô hình = 300 người.

+ Số ngày tập huấn: 1 ngày/ lớp x 6 lớp.

- Địa điểm: Tại các xã chọn triển khai mô hình.

- Đối tượng tập huấn: Cho nông dân tham gia xây dựng mô hình và người dân địa phương có điều kiện mở rộng mô hình, một số cán bộ của địa phương.

3.4.4. Nội dung 4.4: Hội nghị tổng kết, đánh giá cấp tỉnh

- Quy mô:

+ Tổ chức 01 hội nghị tổng kết đánh giá

+ Số lượng: 100 người/ hội nghị x 1 hội nghị = 100 người

+ Số ngày hội nghị: 1 ngày/ hội nghị x 1 hội nghị

- Địa điểm: Tại Thành phố Phan Thiết.

- Đối tượng tham gia: Đại biểu là nông dân tham gia xây dựng mô hình, đại biểu là cán bộ các sở, ban ngành có liên quan của tỉnh, các phòng ban của huyện, đại biểu địa phương các xã vùng dự án.

3.5. Nội dung 5: Xây dựng 1 video clip (card truyền hình)

- Nội dung: Kết quả xây dựng mô hình canh tác thông minh thích ứng với BĐKH.

- Thời lượng: 20 – 30 phút.

3.6. Nội dung 6: Nghiệm thu, tổng kết

- Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo đánh giá tiến độ, kết quả triển khai, rút kinh nghiệm khi cần thiết và kế hoạch cho tháng, quý tiếp theo;

- Viết báo cáo tổng kết và bàn giao các sản phẩm theo quy định của dự án cho Ban Điều phối dự án;

Trong quá trình triển khai, Ban Điều phối dự án, cán bộ giám sát hoạt động dự án của Ban Điều phối dự án và tư vấn sẽ gặp gỡ nông dân sản xuất và các tổ chức đoàn thể địa phương để tham vấn thêm về quá trình thực hiện dự án.

4. Tóm tắt kết quả

Bình Thuận là tỉnh cực nam của vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã bị ảnh hưởng bởi BĐKH với những hiện tượng như sự thay đổi hình thái mưa, tình hình lũ lụt và hạn hán thường xuyên và ngày càng khắc nghiệt, quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa gia tăng, đặc biệt là ở huyện Bắc Bình. Sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của địa phương và thu nhập chính của cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao do hạn chế về đầu tư và trình độ kỹ thuật thâm canh của người nông dân. Sản xuất nông nghiệp càng nhiều rủi ro và bấp bênh hơn trước những tác động bất lợi của BĐKH. Vấn đề cần đặt ra là cần có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng có khả năng chịu hạn, chu kỳ canh tác và sinh trưởng phù hợp để tránh né hạn hán, chuyển cây trồng trên đất thường bị khô hạn với cơ cấu luân canh, chuyên canh và biện pháp kỹ thuật canh tác thích ứng. Chính vì thế, gói thầu “Tư vấn kỹ thuật về các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Bình Thuận” là một trong những nghiên cứu trọng điểm của dự án “Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận” do Vương quốc Bỉ tài trợ.

Sau 11 tháng thực hiện gói thầu, đến nay đã đạt được kết quả như sau:

(1) Các nội dung như đào tạo, tập huấn, tham quan, hội nghị đầu bờ, xây dựng mô hình của Nhóm tư vấn đã được hoàn thành đúng nội dung và tiến độ của dự án.

(2) Từ kết quả điều tra hiện trạng đã xác định được những nguyên nhân, hạn chế và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ để triển khai xây dựng 3 mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

(3) Kết quả xây dựng mô hình:

- Tổng diện tích xây dựng các mô hình canh tác thích ứng với BĐKH tại 3 xã Bình Tân, Hòa Thắng, Hồng Phong của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là 10 ha (trong đó có 5,5 ha lạc; 2,0 ha đậu đen và 2,5 ha cỏ VA06) với 15 lượt hộ tham gia.

- Năng suất lạc bình quân trên đất cát ở huyện Bắc Bình đạt 23,6 tạ/ha, tăng 21% khi áp dụng chế độ tưới nước bằng béc phun mưa cố định kết hợp với xác định thời điểm và lượng nước tưới theo mini-pan và so với năng suất điều tra hiện trạng 16,2 tạ/ha thì mô hình cao hơn 45,7%. Năng suất đậu đen trên đất cát đạt bình quân 12,6 tạ/ha tăng 16,7% so với đối chứng và so với năng suất điều tra hiện trạng chỉ đạt 7,5 tạ/ha thì mô hình cao hơn 68%. Năng suất cỏ VA06 trên đất cát xã Bình Tân sau 3 lần cắt đạt bình quân 95,9 tấn/ha/ lần tăng 17,6% so đối chứng và gấp 1,75 lần so với số liệu điều tra hiện trạng sản xuất cỏ (năng suất cỏ điều tra là 329,4 tấn/ha/năm tương ứng 54,9 tấn/ha/ lần cắt).

- Lãi ròng bình quân của mô hình trồng lạc thâm canh thích ứng với BĐKH là 26,297 tr.đ/ha/vụ vượt so với đối chứng là 28,2%; tương tự lãi ròng của mô hình trồng đậu đen là 16,738 tr.đ/ha/vụ vượt hơn đối chứng là 32,8% và lãi ròng của mô hình trồng cỏ nuôi gia súc là 35,412 tr.đ/ha/lần cắt vượt hơn đ/c là 33,8%. Tổng lãi ròng thu được từ các mô hình của gói thầu là 448,135 tr.đ, trong đó tại xã Bình Tân là 295,271 tr.đ; xã Hòa Thắng là 115,799 tr.đ và xã Hồng Phong là 37,065 tr.đ.

- Số lượt tưới nước/vụ trồng lạc trên đất cát tại Bắc Bình giảm 6 lượt khi áp dụng phương pháp tưới bằng béc phun mưa kết hợp mini-pan. Lượng nước tưới cho cây lạc trên đất cát giảm 1.040 m3/ha/vụ khi áp dụng việc xác định thời điểm và lượng nước tưới theo mini-pan (tương ứng giảm 21,5%) so với chế độ tưới thông thường bằng béc phun của người dân tự trang bị. Tương tự số lượt tưới nước/vụ trồng đậu đen trên đất cát giảm 5 lần, lượng nước tưới giảm 910 m3/ha/vụ, tương ứng giảm 20,2%. Số lượt tưới nước/vụ trồng cỏ VA06 trên đất cát tại xã Bình Tân giảm 10 lần, lượng nước tưới giảm 590 m3/ha/lần cắt, tương ứng giảm 24,4%.

- Việc áp dụng xác định thời điểm và lượng nước tưới theo mini-pan cho cây lạc trên đất cát đã cho hiệu suất sử dụng nước của cây lạc tại Bắc Bình tăng 55%, so với phương pháp xác định thời điểm và lượng nước tưới thông thường của người dân, tương tự với cây đậu đen tăng 45,8% và cây cỏ VA06 tăng 39,9%

(3) Sau khi XDMH một số chỉ tiêu về pHKCl, mùn (%), N (%), P2O5 (%), K2O (%), P2O5dt, K2Odt, Ndt đều ổn định, một số chỉ tiêu có giảm nhẹ và có xu hướng tăng, nhất là tại mô hình trồng lạc và đậu đen.

(4) Gói thầu đã tổ chức được 13 cuộc (gồm 6 lớp tập huấn, 3 lớp đào tạo ToT, 3 hội nghị đầu bờ, 1 đợt tham quan) cho 510 lượt người, trong đó đại biểu là nữ có 182 lượt (chiếm 35,7%). Kỹ năng, kiến thức, nhận thức của đại biểu đã tăng 18,8% so với trước khi tham dự và chất lượng khâu tổ chức cũng như khả năng chuyên môn của nhóm tư vấn kỹ thuật đạt cao (84,1%).

(5) Đã kịp thời phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong kỹ thuật canh tác thích ứng với BĐKH và tưới nước phun mưa tiết kiệm theo phương thức mini-pan vào sản xuất.

(6) Kết quả XDMH cho thấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của gói thầu đã được chứng minh nên có ảnh hưởng rất tốt đến khả năng nhân nhanh, rộng và bền vững đến các địa phương có điều kiện tương tự trong xã, huyện của Bình Thuận cũng như ở vùng DHNTB. Sau khi kết thúc, mặc dù không còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính nhưng các hộ tham gia XDMH sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị và người dân trong vùng thông qua tập huấn, hội nghị đầu bờ tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình từ nguồn kinh phí tự có, từ các nguồn vốn khác của các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.

Với kết quả này cùng với các kết quả các nghiên cứu khác của dự án sẽ được sử dụng làm cơ sở để cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ở khu vực nghiên cứu nói riêng và địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung cũng như giới thiệu để nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác trong tỉnh.

Tin cùng chuyên mục