KẾT QUẢ CHỌN TẠO, KHẢO NGHIỆM GIỐNG LẠC LDH.10 CHO VÙNG DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN

admin20/04/2016 02:33 PM

KẾT QUẢ CHỌN TẠO GIỐNG LẠC LDH.10 CHO VÙNG DUYÊN HẢI

NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN

Hoàng Minh Tâm1, Hồ Huy Cường1, Nguyễn Văn Thắng2, Mạc Khánh Trang1, Nguyễn Văn Hiền1, Trương Thị Thuận1, Cái Đình Hoài1

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây lạc (Arachis hypogaea L.) là cây trồng có nhiều thế mạnh trong chiến lược phát triển cây hàng hoá, cây làm thức ăn chăn nuôi và là cây trồng có hiệu quả cho nền sản xuất đa dạng sản phẩm và bền vững môi trường ở Duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến năm 2013, diện tích gieo trồng lạc ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là 48.400 ha, chiếm 22,4% so với tổng diện tích gieo trồng lạc trong cả nước, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Đắk Nông và Đắk Lắk. Tuy nhiên, năng suất bình quân của hai vùng đạt 17,7 tạ/ha, chỉ bằng 46,4% so với năng suất bình quân của cả nước. Có nhiều nguyên nhân hạn chế đến năng suất lạc ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó thiếu bộ giống có tiềm năng năng suất cao và chống chịu được với điều kiện bất lợi của môi trường là nguyên nhân hàng đầu. Trong thời gian qua, các giống lạc mới L.14, L.23, LDH.01 đã được tuyển chọn và đã được chọn tạo để bổ sung vào sản xuất của vùng. Tuy nhiên, các giống lạc trên lại không phát huy hết tiềm năng năng suất vốn có của giống trong điều kiện bất lợi của môi trường như hạn hán gây ra.

Do đó, để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng phát triển sản xuất lạc theo hướng hàng hóa, bền vững ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cần chọn tạo các giống lạc có năng suất trên 30tạ/ha, có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày và có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường và chống chịu với một số bệnh chính hại lạc để bổ sung vào cơ cấu giống hiện có.

Giống lạc mới LDH.10 do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc từ dòng số 156, tổ hợp lai số 8 của cặp lai giữa giống lạc L18 với giống lạc V79, phần nào khắc phục được những hạn chế trên, làm phong phú thêm bộ giống lạc cho vùng và đáp ứng được yêu cầu trước mắt của sản xuất.

II. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Vật liệu nghiên cứu

Giống lạc L18 và giống lạc V79 được chọn làm bố mẹ. Trong đó, giống lạc L18 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây đậu đỗ chọn lọc từ tập đoàn lạc nhập nội, chọn lọc theo phương pháp chọn lọc quần thể từ dòng lạc số 7, được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004 và đã được hội đồng công nhận giống chính thức của Cục Trồng trọt năm 2009, giống lạc V79 do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Nông nghiệp I-Hà Nội tạo ra bằng phương pháp đột biến phóng xạ tia Rơghen trên giống Bạch sa – Trung Quốc, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia năm 1995.

2. Nội dung nghiên cứu

Lai tạo và chọn lọc dòng thuần.

Đánh giá dòng triển vọng, so sánh giống sơ bộ và chính quy.

Đánh giá mức độ nhiễm sâu, bệnh hại lạc trong điều kiện đồng ruộng.

Khảo nghiệm đánh giá tính thích nghi.

Sản xuất thử nghiệm.

3. Phương pháp nghiên cứu

Giống lạc LDH.10 được tạo ra từ tổ hợp lai L18 x V79 và chọn lọc dòng theo phương pháp phả hệ qua sơ đồ sau:

L18

X

V79

è

F1

è

F2 - F6

Dùng phương pháp phả hệ chọn dòng theo kiểu hình thấp cây, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cá thể cao.

è

F7

Đánh giá và nhân dòng triển vọng

è

F8

Thí nghiệm so sánh

è

Đánh giá tính thích nghi vùng sinh thái

Thí nghiệm đánh giá dòng triển vọng được bố trí theo phương pháp tuần tự không lặp lại. Thí nghiệm so sánh giống được bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD) với 3 lần lặp lại, ô cở sở 7,5 - 24m2.

Số liệu nghiên cứu được xử lý theo phương pháp thống kê toán học của Gomez thông qua chương trình IRRISTAT 5.0, STATISTIX 8.0 và EXCEL.        Theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển, năng suất và sâu, bệnh hại theo quy chuẩn ngành QCVN 01-57:2011/BNNPTNT đối với cây lạc.

4. Địa điểm nghiên cứu, khảo nghiệm

Lai hữu tính và chọn lọc dòng (F1 – F5) được tiến hành tại Trung Tâm NC&Phát triển Cây đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội).

Chọn lọc và đánh giá nhân dòng (F6-F8) được tiến hành tại Cơ sở II - Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB (tại Nhơn Hưng - An Nhơn - Bình Định).

Thí nghiệm đánh giá dòng triển vọng, so sánh giống được thực hiện trên đất phù sa cơ giới nhẹ tại Cơ sở II - Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB (tại Nhơn Hưng - An Nhơn - Bình Định) trong vụ đông xuân và hè thu năm 2013, 2014.

Khảo nghiệm cơ bản và đánh giá tính thích nghi vùng sinh thái giống lạc mới được thực hiện trong năm 2013 và 2014.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

1. Một số đặc điểm hình thái của giống lạc LDH.10

Bảng 1. Một số đặc điểm hình thái và nông học của giống lạc LDH.10

Đặc điểm hình thái

và nông học

Giống lạc

L18

Giống lạc LDH.10

Giống lạc V79

Dạng cây vào thời kỳ ra hoa

Đứng

Nửa đứng

Nửa đứng

Mức độ phân cành cấp 1 (cành/cây)

3,5 – 4,6

4,0 – 4,5

4,2 – 4,5

Thời gian sinh trưởng (ngày)

100 - 120

93-100

120 - 125

Màu sắc lá chét

Xanh đậm

Xanh đậm

Xanh đậm

Quy luật phân bố hoa

Liên tục

Liên tục

Liên tục

Eo quả

Trung bình

Trung bình

Trung bình

Độ nhẵn bề mặt vỏ quả

Thô

Trung bình

Nhẵn

Mỏ quả

Trung bình

Trung bình

Trung bình

Dạng mỏ quả

Trung bình - rõ

Trung bình

Trung bình

Màu vỏ hạt chin

Một màu

Một màu

Một màu

Màu vỏ hạt chín (hạt tươi)

Hồng

Hồng nhạt

Hồng nhạt

Khối lượng 100 hạt (gam)

60 - 65

59 – 65

48 - 52

Khối lượng 100 quả (gam)

168 - 178

155 – 172

130 - 135

Tỷ lệ nhân/quả (%)

69 - 71

70 - 74

73 - 76

Khả năng kháng bệnh đốm đen (điểm 1, 3, 5, 7, 9)

Điểm 1

Điểm 3

Điểm 5

Khả năng kháng bệnh đốm đen (điểm 1, 3, 5, 7, 9)

Điểm 1

Điểm 3

Điểm 5

Khả năng kháng bệnh gỉ sắt (điểm 1, 3, 5, 7, 9)

Điểm 1

Điểm 3

Điểm 7

Khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn (Điểm 1, 2, 3)

Điểm 1

Điểm 1

Điểm 1

Giống lạc LDH.10 là dòng số 156, tổ hợp lai số 8 của cặp lai giữa giống lạc L18 và giống lạc V79 theo phương pháp lai đơn, đến năm 2010 chọn được dòng thuần và đặt tên là LDH.10.

Một số đặc điểm về hình thái và nông học trình bày ở bảng 1 cho thấy: Giống lạc LDH.10 thuộc kiểu hình nửa đứng, hoa phân bố liên tục, lá chét khi trưởng thành có màu xanh đậm, eo quả trung bình, bề mặt có gân nổi trung bình, mỏ quả trung bình, khi chín vỏ hạt có một màu hồng nhạt, số cành cấp 1 biến động từ 4,0 – 4,5 cành/cây, thời gian sinh trưởng từ 93 - 100 ngày (trong vụ đông xuân và hè thu), khối lượng 100 hạt từ 59,0 – 65,0 gam, khối lượng 100 quả từ 155,0 – 172,0 gam,  tỷ lệ nhân/quả từ 70,0 – 74,0 %, nhiễm nhẹ với bệnh đốm đen, nâu và gỉ sắt (điểm 3) và nhiễm nhẹ với bệnh héo xanh (điểm 1).

2. Kết quả khảo sát đánh giá sơ bộ giống lạc LDH.10

Các đặc điểm sinh trưởng, phát triển và năng suất của các dòng/giống lạc tham gia thí nghiệm so sánh sơ bộ được trình bày ở bảng 2 và 3.

Số liệu trình bày ở bảng 2 cho thấy, thời gian sinh trưởng của các dòng/giống lạc tham gia thí nghiệm biến động từ 93 – 103 ngày, so với giống đối chứng LDH.01 (93 ngày), giống lạc LDH.10 có thời gian sinh trưởng ngang bằng với đối chứng và ngắn hơn các dòng/giống lạc còn lại từ 1 – 10 ngày. Thời gian từ mọc đến ra hoa của các dòng/giống lạc biến động từ 31 – 35 ngày; giống lạc LDH.10 (31 ngày) không có sự chênh lệch so với các dòng/giống còn lại. Chiều cao cây của các dòng/giống lạc biến động từ 36,0 – 45,8 cm; giống lạc LDH.10 (37,3 cm) sai khác so với giống đối chứng LDH.01 (45,8cm) và không có sự chênh lệch so với các dòng/giống còn lại trong tập đoàn. Số cành cấp 1/cây của giống lạc LDH.10 (4,5 cành) đạt tương đương so với giống đối chứng LDH.01 (4,1 cành) và các dòng/giống còn lại trong tập đoàn ngoại trừ dòng lạc 8-168 và 10-30 cùng đạt 3,8 cành.

Như vậy với thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chiều cao cây gọn, mức độ ra hoa tập trung sẽ lợi thế trong việc cơ cấu gieo trồng ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Về kết quả đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất trình bày ở bảng 3 cho thấy:

Số quả chắc/cây của giống LDH.10 (11,9 quả) không có sự sai khác so với các dòng/giống lạc còn lại và giống đối chứng LDH.01 (10,3 quả); ngoại trừ sai khác so với 3 dòng/giống D35,10-30 và DR1 (14,4 quả).

Khối lượng 100 quả của các dòng/giống lạc biến động từ 86,2 – 168,2 gam; giống lạc LDH.10 (155,5 gam) có sự sai khác so với 3 dòng/giống lạc D9 (167,4 gam), D16 (162,4 gam), LDH.01 (168,2 gam) từ 4,4 – 8,2%, và giống DR1 (86,2 gam), các dòng/giống lạc còn lại đạt tương đương nhau.

Khối lượng 100 hạt của các dòng/giống lạc tham gia thí nghiệm có sự sai khác nhau; giống lạc LDH.10 (65,4 gam) đạt cao hơn so với dòng/giống LDH.01, DR1 và D37 từ 7,3 – 60,7%, thấp hơn so với dòng/giống D9 (72,5 gam) và đạt tương đương so với các dòng/giống lạc còn lại trong thí nghiệm.

Từ sự sai khác về số quả chắc/cây, khối lượng 100 quả nên năng suất của các dòng/giống lạc trong thí nghiệm cũng có sự sai khác. So với giống đối chứng lạc LDH.01 đạt 23,1 tạ/ha thì năng suất thực thu của giống lạc LDH.10 (28,6 tạ/ha) đạt cao hơn 23,8% và đạt cao hơn các dòng/giống lạc còn lại trong thí nghiệm từ 6,7 – 27,1%.

Từ kết quả khảo sát đánh giá tập đoàn giống lạc triển vọng cho thấy giống lạc LDH.10 đạt năng suất cao hơn giống lạc LDH.01 hiện đang được sử dụng sản xuất đại trà ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Bên cạnh đó, với đặc điểm giống LDH.01 bị bệnh chết ẻo do vi khuẩn nên giảm năng suất thu hoạch, trong khi đó, giống lạc LDH.10 lại không bị bệnh chết ẻo. Chính vì vậy, cần tiếp tục đánh giá sinh trưởng và năng suất của giống lạc LDH.10 trong các thí nghiệm so sánh chính quy và khảo nghiệm vùng sinh thái để xây dựng cơ sở cho việc nhân rộng sản xuất. 

Bảng 2. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các giống lạc trong thí nghiệm so sánh sơ bộ tại Bình Định trong năm 2012

Dòng/giống

Mọc – ra hoa(ngày)

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Chiều cao cây (cm)

Số cành cấp I/cây (cành)

D7

31

95

42,6 ab

3,9 bc

D9

33

96

41,6 ab

4,4 abc

D16

31

94

41,4 ab

4,3 bc

D35

33

95

39,0 ab

4,2 bc

D37

32

95

38,0 ab

3,9 bc

8-168

31

94

36,2 b

3,8 c

DR1

35

103

39,0 ab

5,0 a

10-30

32

94

36,0 b

3,8 c

LDH.10

31

93

37,3 b

4,5 ab

LDH.01 (đc)

31

93

45,8 a

4,1 bc

CV%

11,7

8,9

LSD5%

7,9

0,6

Bảng 3. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất của các giống lạc trong thí nghiệm so sánh sơ bộ tại Bình Định trong năm 2012

Dòng/giống

Số quả chắc/cây (quả)

Khối lượng 100 quả (gam)

Khối lượng 100 hạt (gam)

Năng suất thực thu (tạ/ha)

D7

11,5 b

145,9 d

60,7 c

26,3 abc

D9

11,0 b

167,4 ab

72,5 a

24,3 bcd

D16

11,9 b

162,4 abc

65,3 b

26,2 abc

D35

9,2 c

151,2 cd

64,8 b

22,5 d

D37

11,4 b

147,9 d

60,9 c

26,8 ab

8-168

11,0 b

151,7 cd

66,8 b

23,3 d

DR1

14,4 a

86,2 e

40,7 e

23,9 cd

10-30

9,1 c

155,9 bcd

65,3 b

22,5 d

LDH.10

11,9 b

155,5 cd

65,4 b

28,6 a

LDH.01 (đ/c)

10,3 bc

168,2 a

55,1 d

23,1 d

CV%

8,9

4,5

3,5

6,7

LSD5%

1,7

11,6

3,7

2,8

3. Kết quả đánh giá sinh trưởng và năng suất của giống lạc LDH.10

Kết quả so sánh chính quy của giống lạc LDH.10 được bố trí liên tục trong 2 năm 2013, 2014 và trong 2 vụ đông xuân, hè thu trên đất phù sa cơ giới nhẹ tại Cơ sở II - Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (thuộc Nhơn Hưng - An Nhơn - Bình Định).

3.1. Tình hình sinh trưởng và năng suất của giống lạc LDH.10 trong điều kiện thời tiết vụ Đông xuân

Trong điều kiện khí hậu vụ đông xuân tại Bình Định, thời gian sinh trưởng của các giống lạc trong thí nghiệm so sánh chính quy biến động từ 90 đến 95 ngày trong năm 2013 và từ 96 đến 105 ngày trong năm 2014, trong đó, giống lạc LDH.10 có thời gian sinh trưởng từ 95-98 ngày dài hơn so với giống đối chứng LDH.01 từ 2 đến 5 ngày. Trong năm 2014 giống LDH.10 ngắn hơn giống L14 (105 ngày) 7 ngày và dài hơn các giống còn lại từ 1 đến 2 ngày.

Trong vụ đông xuân năm 2013, chiều cao cây của các giống lạc biến động từ 28,9 – 45,0 cm, trong đó, giống LDH.10 (30,8 cm) đạt tương đương so với giống LDH.11 (28,9 cm) và đạt thấp hơn so với các giống còn lại kể cả giống đối chứng từ 41,2 – 51,3%. Trong năm 2014 chiều cao cây cao hơn so với năm 2013, biến động từ 35,6 – 59,4 cm, trong đó, giống lạc LDH.10 (42,7 cm) đạt thấp hơn so với giống đối chứng LDH.01 và L14 từ 18,0 – 39,1%, đạt cao hơn giống LDH.11 (35,6 cm) 19,9% và tương đương với giống LDH.07. Tương tự, số cành cấp 1/cây của giống lạc LDH.10 trong năm 2013 là 5,1 cành và trong năm 2014 là 4,0 cành cũng chỉ đạt tương đương  hoặc thấp hơn so với các giống và cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 (đạt 3,5 – 4,2 cành) (bảng 4).

Bảng 4. Tình hình sinh trưởng của giống lạc LDH.10 trong vụ Đông xuân

Dòng/giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Chiều cao cây

(cm)

Số cành cấp I/cây

(cành)

2013

2014

2013

2014

2013

2014

LDH.07

95

97

46,6 a

45,6 bc

4,4 bc

4,3 bc

LDH.10

95

98

30,8 b

42,7 c

5,1 ab

4,0 bc

LDH.11

90

96

28,9 b

35,6 d

5,2 a

5,1 a

L14

90

105

45,0 a

50,4 b

4,0 c

4,3 b

LDH.01 (đc)

90

96

43,5 a

59,4 a

4,2 c

3,5 c

CV%

9,6

7,3

9,2

9,7

LSD5%

7,1

6,4

0,8

0,7

Bảng 5. Yếu tố cấu thành năng suất của giống lạc LDH.10 trong vụ Đông xuân

Dòng/giống

Số quả chắc/cây

(quả)

Khối lượng 100 quả (gam)

Khối lượng 100 hạt (gam)

2013

2014

2013

2014

2013

2014

LDH.07

12,5 d

12,4 c

175,8 a

173,2 a

70,4 a

68,2 a

LDH.10

22,2 a

15,8 a

163,1 c

163,1 b

63,0 b

63,1 b

LDH.11

18,5 b

14,2 b

133,0 c

137,0 c

61,1 bc

61,9 bc

L14

14,4 c

13,0 bc

166,9 ab

165,6 b

64,3 b

63,4 b

LDH.01 (đc)

15,3 c

9,1 d

170,6 ab

167,7 ab

57,5 c

59,9 c

CV%

5,7

5,6

3,9

2,4

3,4

2,2

LSD5%

1,8

1,3

11,8

7,1

4,1

2,6

Số quả chắc/cây trong năm 2013 và 2014 của giống lạc LDH.10 đạt từ 15,8 – 22,2 quả/cây đạt cao hơn giống đối chứng LDH.01 (đạt 9,1 – 15,3 quả/cây) từ 45,1 – 73,6% và cao hơn so với các giống còn lại trong thí nghiệm từ 27,4 – 77,6%. Tuy số quả chắc/cây của giống LDH.10 đạt cao hơn so với các giống trong thí nghiệm nhưng khối lượng 100 quả và khối lượng 100 hạt lại thấp hơn so với các giống trong thí nghiệm. Khối lượng 100 quả của giống LDH.10 trong hai năm 2013 và 2014 đạt 163,1 gam đạt cao hơn giống LDH.11 (đạt 133 – 137 gam); thấp hơn giống đối chứng LDH.01 (đạt 167,7 – 170,6 gam) từ 2,8 – 4,6% và các giống còn lại từ 1,5 – 7,8%. Khối lượng 100 hạt của giống lạc LDH.10 trong năm 2013 và 2014 biến động từ 63,0 – 63,1 gam; đạt cao hơn giống đối chứng LDH.01 (đạt 57,5 – 59,9 gam) từ 5,3 – 9,6%; đạt thấp hơn giống LDH.07 (đạt 68,2 – 70,4 gam) từ 7,6 – 10,4% và đạt tương đương so với hai giốn còn lại trong thí nghiệm (bảng 5).

Do sự sai khác ở từng yếu tố về số quả chắc/cây và khối lượng 100 quả, nên năng suất thực thu của giống lạc LDH.10 có sự sai khác lớn so với các giống tham gia thí nghiệm. Trong vụ đông xuân 2013, năng suất thực thu của giống lạc LDH.10 đạt 37,9 tạ/ha, đạt cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 (27,0 tạ/ha) 40,4% và các giống còn lại  (đạt 28,5 – 33,2 tạ/ha) từ 14,2 – 33,0%. Trong vụ đông xuân 2014, giống lạc LDH.10 đạt 30,9 tạ/ha đạt tương đương với giống L14 ;cao hơn đối chứng 147,2% và các giống còn lại từ 8,8 – 19,3% (bảng 6).

Như vậy, trong điều kiện khí hậu vụ đông xuân tại Bình Định, năng suất thực thu bình quân qua 2 năm đánh giá của giống lạc LDH.10 đạt 34,4 tạ/ha, cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 73,7% và tương đương so với giống L14.

Bảng 6. Năng suất của giống lạc LDH.10 trong vụ Đông xuân

Dòng/giống

Năng suất thực thu (tạ/ha)

2013

2014

Trung bình

LDH.07

32,3 bc

28,4 ab

30,4

LDH.10

37,9 a

30,9 a

34,4

LDH.11

28,5 cd

25,9 b

27,2

L14

33,2 b

31,3 a

32,2

LDH.01 (đc)

27,0 d

12,5 c

19,8

CV%

6,4

8,3

LSD5%

3,8

4,0

3.2. Tình hình sinh trưởng và năng suất của giống lạc LDH.10 trong điều kiện thời tiết vụ Hè thu

Khác với vụ đông xuân, trong điều kiện khí hậu vụ hè thu tại Bình Định, nền nhiệt độ và số giờ chiếu sáng trong ngày luôn cao hơn so với vụ đông xuân nên thời gian sinh trưởng của các giống trong thí nghiệm ngắn hơn so với vụ đông xuân 5 ngày. Trong năm 2013, giống LDH.10, LDH.07, LDH.11 có cùng thời gian sinh trưởng là 90 ngày, dài hơn giống đối chứng LDH.01, L14 là 5 ngày. Trong năm 2014, giống LDH.10, LDH.07, giống đối chứng LDH.01 có cùng thời gian sinh trưởng là 100 ngày và dài hơn hai giống LDH.11, L14 là 3 ngày. Về chiều cao cây, tương tự như trong vụ đông xuân, chiều cao cây của giống lạc LDH.10 đạt 54,1cm trong năm 2013 và 40,6 cm trong năm 2014, tương đương hoặc thấp hơn so với các giống tham gia trong thí nghiệm. Tương tựu, số cành cấp 1/cây của giống LDH.10 đạt 4,9 cành/cây trong năm 2013 và 2014, đạt tương đương hoặc thấp hơn so với các giống còn lại (bảng 7).

Kết quả đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất trong điều kiện vụ hè thu trình bày ở bảng 8 cho thấy số quả chắc của giống lạc LDH.10 đạt tương đương hoặc cao hơn so với các giống trong thí nghiệm. Cụ thể, trong năm 2013 số quả chắc của giống LDH.10 là 17,0 quả/cây, các giống còn lại biến động từ 13,6 - 17,5 quả/cây và trong năm 2014 là 22,7 quả/cây, các giống còn lại biến động từ 16,4 – 20,9 quả/cây. Khác với vụ đông xuân khối lượng 100 quả của giống LDH.10 đạt tương đương hoặc thấp hơn so với các giống trong thí nghiệm, thì vụ hè thu khối lượng 100 quả đạt tương đương và cao hơn các giống trong thí nghiệm. Cụ thể, khối lượng 100 quả của giống lạc LDH.10 đạt 153,8 gam trong năm 2013 và 160,4 gam trong năm 2014, luôn đạt tương đương và cao hơn so với các giống còn lại trong thí nghiệm. Khối lượng 100 hạt của giống LDH.10 đạt 59,1 gam; đạt cao hơn đối chứng 24,4% và thấp hơn hai giống LDH.07, LDH.11 từ 4,7 – 8,8% trong năm 2013 và đạt 63,7 gam đạt cao hơn so với đối chứng 29,7% và các giống còn lại từ 4,4 – 15,6% (bảng 8).

Về năng suất thực thu, trong vụ hè thu, năng suất giống LDH.10 cũng đạt cao hơn so với giống đối chứng lạc LDH.01 là 22,0% trong năm 2013 và 17,4% trong năm 2014. So với các giống còn lại trong thí nghiệm, trong năm 2013, năng suất thực thu giống LDH.10 đạt 26,1 tạ/ha, đạt cao hơn so với các giống còn lại từ 10,6 – 29,2%. Trong năm 2014, năng suất thực thu giống LDH.10 đạt 33,1 tạ/ha tương đương với giống LDH.11 (đạt 31,2 tạ/ha), thấp hơn giống LDH.07 (đạt 36,2 tạ/ha) và cao hơn giống L14 19,5%. Như vậy, trong điều kiện khí hậu vụ hè thu tại Bình Định, năng suất thực thu bình quân qua 2 năm đánh giá của giống lạc LDH.10 đạt 29,6 tạ/ha, cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 19,4% và tương đương so với giống LDH.07 (bảng 9).

Bảng 7. Tình hình sinh trưởng của giống lạc LDH.10 trong vụ Hè thu

Dòng/giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Chiều cao cây

(cm)

Số cành cấp I/cây

(cành)

2013

2014

2013

2014

2013

2014

LDH.07

90

100

61,5 a

50,9 b

4,8 b

4,8 b

LDH.10

90

100

54,1 b

40,6 c

4,9 b

4,9 b

LDH.11

90

97

49,5 b

39,0 c

5,5 a

5,7 a

L14

85

97

67,0 a

59,7 a

4,7 b

4,4 b

LDH.01 (đc)

85

100

66,4 a

61,8 a

4,7 b

4,8 b

CV%

6,1

8,7

2,8

5,2

LSD5%

6,8

8,3

0,3

0,4

Bảng 8. Yếu tố cấu thành năng suất của giống lạc LDH.10 trong vụ Hè thu

Dòng/giống

Số quả chắc/cây

(quả)

Khối lượng 100 quả (gam)

Khối lượng 100 hạt (gam)

2013

2014

2013

2014

2013

2014

LDH.07

14,3 b

20,9 ab

152,0 a

157,6 a

62,0 ab

61,0 ab

LDH.10

17,0 a

22,7 a

153,8 a

160,4 a

59,1 b

63,7 a

LDH.11

17,5 a

17,5 b

132,5 b

125,9 d

64,8 a

58,2 bc

L14

14,4 b

18,4 ab

136,4 b

137,5 c

53,7 c

55,1 c

LDH.01 (đc)

13,6 b

16,4 b

155,2 a

146,2 b

47,5 d

49,1 d

CV%

6,8

12,5

2,8

3,0

4,8

4,1

LSD5%

1,9

4,5

7,8

8,2

5,2

4,4

Bảng 9. Năng suất của giống lạc LDH.10 trong vụ Hè thu

Dòng/giống

Năng suất thực thu (tạ/ha)

2013

2014

Trung bình

LDH.07

23,6 ab

36,2 a

29,9

LDH.10

26,1 a

33,1 ab

29,6

LDH.11

20,2 c

31,2 bc

25,7

L14

22,4 bc

27,7 c

25,1

LDH.01 (đc)

21,4 bc

28,2 c

24,8

CV%

6,5

6,8

LSD5%

2,7

3,9

Bảng 10. Mức độ nhiễm bệnh hại của giống lạc LDH.10 trong điều kiện đồng ruộng trong năm 2013, 2014

Dòng/giống

Bệnh gỉ sắt(Điểm 1-9)

Bệnh

đốm nâu(Điểm 1-9)

Bệnh

đốm đen(Điểm 1-9)

Bệnh chết cây do nhiều nguyên nhân (%)

LDH.07

3

3

3

3,2 – 5,8

LDH.10

3

3

3

2,4 – 4,5

LDH.11

3

5

5

3,9 – 6,3

L14

3

3

3

2,1 – 3,2

LDH.01 (đc)

3

3

3

9,4 – 10,5

Mức độ nhiễm bệnh hại trong điều kiện đồng ruộng đối với các loại bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt và chết cây của giống lạc LDH.10 thấp hơn so với các giống còn lại trong hai năm 2013 và 2014. Đối với bệnh đốm nâu, đốm đen và gỉ sắt, mức độ nhiễm bệnh của giống LDH.10 ở điểm 3 đạt tương đương với đối chứng và thấp hơn giống LDH.11 ở điểm 5.  Tỷ lệ bệnh chết cây do nhiều nguyên nhân trong năm 2013 và 2014 dao động từ 2,1 – 10,5%, trong đó giống LDH.10 đạt 2,4 – 4,5% tương đương với giống L14, đạt thấp hơn các giống còn lại và giống đối chứng LDH.01 (bảng 10).

3.3. Đánh giá chung

Qua 4 vụ đánh giá năng suất và mức độ nhiễm bệnh của giống lạc LDH.10 cho thấy:

Năng suất bình quân trong 4 vụ thực nghiệm của giống lạc LDH.10 là 32,0 tạ/ha, cao hơn so với lạc LDH.01 hiện đang sản xuất đại trà ở Nam Trung bộ và Tây nguyên 43,5%, và các giống còn lại trong thí nghiệm (đạt 26,5 – 30,2 tạ/ha) từ 6,1 – 21,0%.

Giống lạc LDH.10 thuộc loại hình vỏ quả trung bình và tỷ lệ nhân/quả bình quân khoảng 72,0% nên thích hợp với thị hiếu sản xuất và chế biến của nông hộ và tư thương ở Nam Trung bộ và Tây nguyên. Ngoài ra, thời gian sinh trưởng của giống lạc LDH.10 tương đương với giống lạc LDH.01 nên không ảnh hưởng nhiều đến mùa vụ và thời điểm gieo trồng trong các vụ trồng lạc chính ở cả 2 vùng sinh thái. Bên cạnh đó khả năng kháng bệnh của giống lạc LDH.10 tốt hơn so với giống hiện đang sản xuất đại trà (giống lạc LDH.01).

Như vậy, ngoài các giống lạc thâm canh như L.14, LDH.07, việc lựa chọn giống lạc LDH.10 cũng sẽ góp phần ổn định và phát triển vùng nguyên liệu lạc ở Nam Trung bộ và Tây nguyên vì các lợi thế về năng suất, vỏ quả trung bình, tỷ lệ nhân/quả và thời gian sinh trưởng của giống lạc LDH.10.

Mặc dù giống lạc LDH.10 đã thể hiện tính vượt trội về năng suất so với giống LDH.01 trong các khảo nghiệm cơ bản, tuy nhiên, để nhân rộng trong sản xuất cần phải tiến hành khảo nghiệm giống lạc LDH.10 ở một số tiểu vùng sinh thái khác nhau thuộc Duyên hải Nam Trung bộ.

4. Kết quả khảo nghiệm sản xuất của giống lạc LDH.10

Kết quả khảo nghiệm cơ bản của Trung tâm KKNG Cây trồng miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014 tại Sơn Tịnh – Quảng Ngãi được trình bày ở bảng 11.

Số quả chắc/cây trong vụ Xuân hè và Hè thu của giống LDH.10 đạt 10,8 – 11,5 quả/cây, đạt thấp hơn so với giống đối chứng Sẻ Gia Lai từ 25,0 – 41,7%. Ngược lại so với số quả chắc/cây, ở khối lượng 100 quả của giống lạc LDH.10 trong vụ Xuân hè và Hè thu đạt 138,6 – 172,5 gam, đạt cao hơn đối chứng từ 46,1 – 57,0%, đạt thấp hơn giống LDH.12 và cao hơn các giống còn lại trong thí nghệm. Chính vì sự sai khác số quả chắc/cây và khối lượng 100 quả nên năng suất thực thu của các giống tham gia khảo nghiệm cũng có sự chênh lệch so với đối chứng. Cụ thể, ở vụ Xuân hè năng suất thực thu biến động từ 22,2 – 30,7 tạ/ha, giống lạc LDH.10 đạt 30,7 tạ/ha cao hơn so với giống đối chứng 38,3% và cao hơn các giống còn lại từ 9,6 – 25,8%; ở vụ Hè thu so với giống đối chứng Sẻ Gia Lai đạt 20,5 tạ/ha, giống lạc LDH.10 (đạt 28,9 tạ/ha) đạt cao hơn 54,5% và đạt tương đương với giống LDH.12 và cao hơn các giống còn lại từ 6,6 – 14,2%. Năng suất bình quân của giống LDH.10 trong năm 2014 đạt 29,8 tạ/ha, đạt cao hơn so với giống đối chứng 45,4% và các giống còn lại.

Bảng 11. Yếu tố cấu thành năng suất và năng suất một số giống lạc mới trong khảo nghiệm cơ bản tại Sơn Tịnh - Quảng Ngãi trong năm 2014

Tên giống

Số quả chắc/cây

(quả)

Khối lượng

100 quả

(gam)

Năng suất

thực thu

(tạ/ha)

(%) tăng năng suất so với đối chứng

XH

HT

XH

HT

XH

HT

TrungBình

LDH.10

10,8

11,5

172,5

138,6

30,7

28,9

29,8

+ 45,4

LDH.11

10,9

14,0

159,0

117,2

28,0

27,1

27,6

+ 34,6

LDH.12

9,7

14,2

179,3

139,7

27,1

29,3

28,2

+ 37,6

SVL1

10,8

12,5

155,5

127,6

24,4

25,3

24,9

+ 21,5

Sẻ Gia Lai (đ/c)

13,5

16,3

118,1

88,3

22,2

18,7

20,5

0,0

CV%

5,9

4,3

LSD5%

2,2

2,0

(Nguồn: Trung tâm KKNG Cây trồng miền Trung và Tây nguyên)

5. Kết quả đánh giá tính thích nghi vùng sinh thái

Bảng 12. Năng suất giống lạc LDH.10 ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Chỉ tiêu

Dòng/giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Năng suất thực thu (tạ/ha)

Hệ số biến động và sai số thí nghiệm

% tăng năng suất so với đối chứng

- Vụ 1 (năm 2013-14) trên đất nâu đỏ đá bọt Bazan, Cư Jút - Đắk Nông

Lỳ (đc)

90

25,3 c

CV%: 5,9

LSD5%: 3,3

-

LDH.10

93

35,9 a

41,9

4-20

90

32,2 b

27,1

LDH.11

90

28,5 c

12,6

D8

90

27,0 c

-

- Vụ 2 (năm 2013-14) trên đất nâu đỏ đá bọt Bazan, Cư Jút - Đắk Nông

Lỳ (đc)

85

28,9 b

CV%:7,6

LSD5%:4,5

-

LDH.10

90

37,3 a

28,9

4-20

87

34,8 a

20,3

LDH.11

85

28,4 b

-

D8

87

28,1 b

-

- Vụ Đông xuân (năm 2013-14), trên đất nhiễm mặn, Phù Cát – Bình Định

LDH. 01(đ/c)

98

22,7 b

CV%:7,2

LSD5%:3,5

-

D5

108

24,0 b

-

LDH.11

97

23,3 b

-

LDH.10

100

27,8 a

22,6

- Vụ Hè thu (năm 2013-14), trên đất nhiễm mặn, Phù Cát – Bình Định

LDH 01(đ/c)

95

18,7 c

CV%:6,5

LSD5%:2,8

-

D5

104

22,0 b

17,5

LDH.11

96

21,2 bc

13,6

LDH.10

98

25,6 a

37,2

(Nguồn: Viện KHKT NN Duyên hải Nam Trung bộ tự khảo nghiệm)

Để đánh giá tiềm năng năng suất, trong năm 2013 và 2014, giống lạc LDH.10 được tiến hành khảo nghiệm trên chân đất nâu đỏ đá bọt Bazan tại ĐắkNông và trên chân đất cát nhiễm mặn ít tại Bình Định.

Tại các điểm khảo nghiệm, thời gian sinh trưởng của giống lạc LDH.10 biến động từ  90 – 100 ngày, so với giống đối chứng lạc Lỳ có thời gian sinh trưởng biến động từ 85 – 90 tại ĐắkNông thì giống LDH.10 dài hơn 3 – 5 ngày; và tại Bình Định giống LDH.10 dài hơn 2 – 3 ngày so với giống đối chứng LDH.01.

Trên chân đất nâu đỏ đá bọt Bazan tại Đắk Nông, trong Vụ 1 năm 2013-14, năng suất thực thu giống lạc LDH.10 đạt 35,9 tạ/ha và cao hơn so với giống đối chứng Lỳ (đạt 25,3 tạ/ha) 41,9%, trong Vụ 2 năm 2013-14, năng suất thực thu giống lạc LDH.10 đạt 37,3 tạ/ha và cao hơn so với giống đối chứng Lỳ (đạt 28,9 tạ/ha) 28,9%.

Trên chân đất nhiễm mặn ít tại Phù Cát – Bình Định, trong vụ Đông xuân năm 2013-14, giống lạc LDH.10 đạt năng suất 27,8 tạ/ha và cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 (đạt 22,7 tạ/ha) 22,6%; trong vụ Hè thu, giống lạc LDH.10 đạt 25,6 tạ/ha đạt cao hơn so với đối chứng LDH.01 (đạt 18,7 tạ/ha) 37,2%.

Như vậy, chẳng những trong điều kiện khảo nghiệm cơ bản, kết quả khảo nghiệm giá trị sử dụng cũng cho thấy: Trên chân đất nâu đỏ đá bọt Bazan, năng suất thực thu của giống lạc LDH.10 đạt từ 35,9 – 37,3 tạ/ha (bình quân đạt 36,6 tạ/ha) và luôn đạt cao hơn so với giống đối chứng Lỳ (năng suất dao động từ 25,3 – 28,9 tạ/ha, bình quân là 27,1 tạ/ha) từ 29,1 – 41,9%; Trên chân đất nhiễm mặn ít, năng suất thực của giống lạc LDH.10 đạt từ 25,6 – 27,8 tạ/ha (bình quân đạt 26,7 tạ/ha) luôn cao hơn so với giống đối chứng LDH.01 (đạt năng suất từ 18,7 – 22,7 tạ/ha, bình quân là 20,7 tạ/ha) từ 18,3 – 27,0%.

IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

1. Kết luận

Giống lạc LDH.10 được Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây đậu đỗ (thuộc Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) chọn lọc từ tổ hợp lai giống lạc L18 x V79.

Giống lạc LDH.10 thuộc kiểu hình nửa đứng, hoa phân bố liên tục, lá chét khi trưởng thành có màu xanh đậm, eo quả trung bình, bề mặt có gân nổi trung bình, mỏ quả trung bình, khi chín vỏ hạt có một màu hồng nhạt, số cành cấp 1 biến động từ 4,0 – 4,5 cành/cây, thời gian sinh trưởng từ 93 - 100 ngày (trong vụ đông xuân và hè thu), khối lượng 100 hạt từ 59,0 – 65,0 gam, khối lượng 100 quả từ 155,0 – 172,0 gam,  tỷ lệ nhân/quả từ 70,0 – 74,0 %, nhiễm nhẹ với bệnh đốm đen, nâu và gỉ sắt (điểm 3) và nhiễm nhẹ với bệnh héo xanh (điểm 1).

Năng suất bình quân của giống lạc LDH.10 trong thí nghiệm so sánh chính quy là 32,0 tạ/ha cao hơn so với lạc LDH.01 43,5%. Năng suất bình quân của giống lạc LDH.10  tại các điểm khảo nghiệm thuộc vùng sinh thái Tây nguyên là 36,6 tạ/ha, trên đất nhiễm mặn ít vùng Duyên hải Nam Trung bộ 26,7 tạ/ha.

2. Đề nghị

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm và đánh giá của một số địa phương, kính đề nghị Hội đồng Khoa học Công nghệ Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống lạc LDH.10 là giống sản xuất thử để làm cơ sở cho việc mở rộng diện tích./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Huy Cường et al., 2006. Kết quả tuyển chọn giống lạc năng suất cao cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tạp chí KH&CN Nông nghiệp Việt Nam, trang 63-70, số 2(3)/2007.

2. Hoàng Minh Tâm et al., 2009. Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển một số giống lạc, đậu tương, đậu xanh có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với điều kiện sinh thái khó khăn vùng DHNTB. Báo cáo tổng kết nghiên cứu KH&PTCN, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB.

3. Hoàng Minh Tâm et al., 2009. Nghiên cứu các giải pháp KHCN khai thác có hiệu quả vùng đất cát ven biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Báo cáo tổng kết nghiên cứu KH&PTCN, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB.

4. Bộ Nông nghiệp&PTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lạc QCVN 01-57:2011/BNNPTNT.

Tin cùng chuyên mục