Định hướng ưu tiên trong chương trình của ACIAR: Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam

admin15/01/2016 04:15 PM

Chiến lược của ACIAR tại Việt Nam là tập trung vào nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật và kinh doanh nông sản nhằm cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân quy mô nhỏ ở một số lĩnh vực chọn lọc có giá trị kinh tế cao trong nông, lâm, thuỷ sản. Từ năm 2008 trở đi các chương trình của ACIAR sẽ tăng cường tập trung vào hai khu vực ở Việt Nam, đó là những nơi còn nghèo và cũng là nơi các kỹ năng nông nghiệp của Australia có thể hỗ trợ để phát triển. Đó là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng núi Tây Bắc. Mặc dù vùng Duyên hải Nam Trung bộ bao gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, nhưng vì quỹ tài trợ hạn chế nên khó có thể xây dựng và thực hiện các dự án ở tất cả các tỉnh này. 

Những ưu tiên trong hợp tác nghiên cứu nông nghiệp để phát triển giữa Australia và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam đã được thảo luận tại Hội thảo ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 3 năm 2008. Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất và nước, và các vấn đề liên quan tới kinh doanh nông sản và kinh tế xã hội. ACIAR sẽ tham vấn về các ưu tiên trong hợp tác nghiên cứu và phát triển thuỷ sản và lâm nghiệp trong một dịp khác. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo là những cán bộ chủ chốt của ACIAR và đại diện của các cơ quan Việt Nam sau: 
• Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Trồng trọt); 
• Các viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (trong đó có Viện Nông hoá Thổ nhưỡng, Viện Rau và Hoa Quả, Viện cây Lương thực và Thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam); Viện Chăn nuôi, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; 
• Các viện Nghiên cứu và Phát triển miền Nam Việt Nam - Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu Hoa quả miền Nam, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch miền Nam và Viện Nghiên cứu Thuỷ lợi miền Nam; 
• Các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các tỉnh trong khu vực; 
• Các trường Đại học; 
• Các tổ chức Phi chính phủ; và 
• Chương trình Hỗ trợ thực hiện Chương trình 135-2 của AusAID (tỉnh Quảng Ngãi) 

ACIAR sẽ sử dụng các ưu tiên này như một khuôn khổ để xây dựng chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển đa ngành, có tính đến những thông báo và thông tin tiếp theo của phía Việt Nam và sự gắn kết với chiến lược hợp tác phát triển Australia - Việt Nam (chung của Chính phủ). Các ưu tiên này do các đại biểu đề đạt trong Hội thảo tư vấn tại một thời điểm cụ thể và không được coi là những ưu tiên đã được Chính phủ Việt Nam chính thức thông qua. Các đề xuất dự án hợp tác nghiên cứu trước hết cần phải được gửi đến Giám đốc chương trình nghiên cứu hữu quan của ACIAR. 

Nội dung tổng hợp ban đầu tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam sẽ tập trung vào các hệ thống canh tác cây trồng và chăn nuôi bò thịt sinh lợi nhiều hơn và bền vững ở môi trường khắc nghiệt (đất cát nghèo dinh dưỡng, trong điều kiện thiếu nước), thông qua hợp tác kỹ thuật trên những lĩnh vực mà các tổ chức của Australia có năng lực chuyên môn cần thiết. 
Trong ba tiểu vùng tại Duyên hải Nam Trung Bộ trước tiên sẽ tập trung vào những nơi khô hạn hơn thuộc khu vực Trung tâm (các tỉnh Bình Định và Phú Yên) và phía Nam (các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận), đặc biệt chú ý tới những vùng ven biển và đất dốc ở độ cao dưới 400m so với mực nước biển. Công tác nghiên cứu sẽ đề cập giải quyết những vấn đề dễ bị tổn hại do tác động của biến đổi khí hậu và sa mạc hoá ở khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam 

ACIAR và các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam sẽ làm việc cùng với nhiều đối tác hơn, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ ở cấp tỉnh, các tổ chức khuyến nông, các nhóm nông dân, khối tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình hình thành và thực hiện các dự án. Trong giai đoạn đầu thực hiện , chương trình sẽ tổng hợp thông tin từ các dự án hữu quan trước đây và phân tích những bài học rút ra từ những sáng kiến có liên quan. Sẽ chú trọng đến các hộ nông dân quy mô nhỏ và vừa là những người có khả năng áp dụng công nghệ và tham gia vào thị trường.


Các ưu tiên đã được thoả thuận bao gồm:


Đất và nước: 
Mặc dù mưa thường tập trung vào khoảng 3 đến 5 tháng, Duyên hải Nam Trung Bộ có lượng mưa trung bình không đều giữa các tiểu vùng. Vùng này còn có rất nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát tới đất phù sa và đất sét. Một số khu vực gần sông và một số khu vực có nguồn nước ngầm ổn định có thể cung cấp nước tưới cho lúa và rau. Những điều kiện đó dẫn tới một hệ thống sản xuất nông nghiệp đa dạng bao gồm trồng lúa nước; các vùng rau ven đô và chăn nuôi gia súc chuyên sâu; các khu vực trồng trọt sử dụng nước mưa tự nhiên; và các hệ thống tổng hợp trồng trọt/ chăn nuôi/chăn thả. Với khả năng kỹ thuật mạnh hơn ở hai hệ thống sau cùng , ACIAR sẽ tập trung vào những lĩnh vực này và chú trọng tới những khu vực khô hạn. 

Các ưu tiên cụ thể bao gồm: 
• Tìm hiểu đặc tính của đất, các chất có sẵn và các thành phần cần bổ sung, hiện trang sử dụng đất ở những tiểu vùng đã chọn. 
• Xác định các hệ thống cây trồng/ mùa vụ thích hợp nhất trên đất cát. 
• Các thực tiễn quản lý tổng hợp để sử dụng hiệu quả chất dinh dưỡng và nước cho việc sản xuất lương thực và trồng cây hiệu quả trên các loại đất cát cằn cỗi. 
• Áp dụng các thực tiễn bền vững nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi bị nhiễm mặn. 
• Sử dụng những thông tin trên để xây dựng các thực tiễn sử dụng đất bền vững trên đất cát cằn cỗi. 

Chăn nuôi 
Trọng tâm đã được thoả thuận là các hệ thống chăn nuôi bò thịt kết hợp với trồng trọt, sản phẩm phụ trong trồng trọt và sử dụng cây thức ăn cho gia súc. Tiềm năng lớn nhất để phát triển các hệ thống là nằm ở những vùng sâu trong đất liền chứ không phải dải đất ven biển, do quỹ đất và nguồn cỏ ở đây lớn hơn. Quy mô trang trại nhỏ, nên sẽ thiếu đất trồng cỏ hoặc chăn thả, dẫn đến khó có thể mở rộng được hệ thống chăn nuôi nhiều hơn 5 con bò trên một nông hộ. Tình trạng thiếu thức ăn rất phổ biến ở cả cuối mùa khô và giữa mùa mưa. Cần thiết phải có sự can thiệp để chuyển đổi các hộ chăn nuôi bò từ ‘quảng canh’ sang ‘bán thâm canh hoặc thâm canh’, thông qua cải thiện thu nhập từ đất đai và nguồn lao động, bao gồm cả hệ thống lồng ghép tốt hơn giữa chăn nuôi và trồng trọt. Các ưu tiên cụ thể gồm có: 
• Tìm hiểu vai trò của các hệ thống chăn nuôi gia súc hiện tại đối với kinh tế hộ gia đình để đánh giá khả năng tiếp nhận các công nghệ khác nhau. 
• Tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong và ngoài trang trại cho đàn bò 
- Trên vùng đồng bằng - thông qua cải tiến sử dụng những loại cỏ chịu hạn, các sản phẩm phụ và thức ăn tinh để vỗ béo bò thịt. 
- Trên vùng cao - thông qua cải tiến sử dụng các nguồn thức ăn khác ngoài cỏ. 
• Các công nghệ bảo quản cỏ và thức ăn chăn nuôi (bao gồm ủ xilô các sản phẩm phụ từ mía và sắn) và tận dụng các phụ phẩm và thức ăn tinh để bổ sung cho nguồn thức ăn chính là rơm. 
• Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vỗ béo đàn bò để xây dựng những phương án cho ăn đối với các đàn bò địa phương và bò lai ở các thời điểm khác nhau trong năm, duy trì mức tăng trưởng và thể trạng của bò cả mùa khô và mùa mưa. 
• Đánh giá tác động của việc lai giống để cải thiện trọng lượng và tốc độ tăng trưởng. 
• Quản lý nguy cơ bệnh lở mồm long móng và thiếu hụt vi lượng và khoáng chất ở đàn bò. 

Trồng trọt và những nông sản có hiệu quả kinh tế cao 
Những loại cây quan trọng nhất trong khu vực bao gồm: cây họ đậu (lạc, đậu tương, đậu xanh), sắn (mì) và mía; Hoa quả (đặc biệt là xoài và nho, ngoài ra còn có lựu, thanh long, dứa, chuối và mít), cây lấy hạt (như điều, ngoài ra còn có macadamia và dẻ cười), rau (hành, tỏi, cà chua, ớt). Lúa được trồng ở những vùng ẩm ướt hơn và có nước tưới, ngoài ra còn có một số ý kiến rất quan tâm tới loại cây lấy dầu như jatropha. Hội thảo đã nhất trí rằng các trọng tâm chính để hợp tác sẽ tập trung vào những vấn đề nông học / hệ thống trang trại trong môi trường bán khô hạn hơn là vào việc cải thiện giống cây trồng, với trọng tâm là cây điều, xoài và lạc. Phần không sử dụng sau thu hoạch và các sản phẩm phụ của cây lạc, sắn, mía và một số loại cây khác cũng có vai trò quan trọng làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó phân chuồng là rất cần thiết đối với việc cải thiện cấu trúc, khả năng giữ nước và độ phì của đất cát. Các ưu tiên cụ thể như sau: 

• Triển khai các hệ thống xen canh bền vững trong đó cây họ đậu (lạc, đậu xanh hoặc đậu tương) kết hợp với cây ăn quả (đặc biệt là điều và xoài) 
• Quản lý cây trồng tổng hợp (dinh dưỡng, nông học và quản lý dịch hại tổng hợp), tuyển chọn giống và xử lý sau thu hoạch đối với lạc và các cây họ đậu khác 
• Tăng thu nhập từ việc sản xuất nho, xoài và điều thông qua các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, xử lý sau thu hoạch, marketing và việc triển khai thực hiện. 
• Sử dụng nước hiệu quả, quản lý độ phì của đất và các thực tiễn canh tác tốt đối với các loại rau trồng trên các vùng khô hạn – hành, tỏi, cà chua, ớt. 
• Các hệ thống sản xuất tăng sản lượng sắn (mì) nhưng lại hạn chế được suy thoái đất/ môi trường 
• Tưới tiết kiệm nước, quản lý dinh dưỡng và chiến lược xen canh để tăng sản lượng mía. 

Kinh doanh nông sản và khuyến nông
Đối với các nông hộ sở hữu diện tích đất nhỏ và trung bình, việc cải thiện mối liên kết với thị trường là đặc biệt quan trọng. Các khu vực hẻo lánh hơn trong khu vực có nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin thị trường. Cần phải tìm hiểu khả năng của các hộ nông dân sản xuất nhỏ để cải thiện tính bền vững và sinh lợi dựa trên thay đổi nhu cầu của thị trường. Các hệ thống khuyến nông và chuyển giao kiến thức cần tính đến những thay đổi nảy sinh trong chuỗi cung ứng để cải thiện hoạt động thị trường, và các dự án sẽ đẩy mạnh mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà nông, nhà nghiên cứu và cán bộ khuyến nông với thị trường và có sự tham gia nhiều hơn của các đối tác từ khu vực tư nhân. Các ưu tiên cụ thể bao gồm: 
• Lựa chọn mặt hàng có lợi thế so sánh theo vùng miền (nhu cầu thị trường, thích ứng với các phương pháp canh tác, phù hợp với tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực trong khu vực) 
• Phân tích thị trường và chuỗi cung ứng để phát hiện những điểm tới hạn cho hàng hoá để tăng cường mối quan hệ của các bên tham gia, và tập trung can thiệp kỹ thuật cần thiết để đem lại thu nhập tốt hơn từ hoạt động thương mại. 
• Can thiệp vào chuỗi cung ứng chăn nuôi và làm vườn, bao gồm 
- Xác định xem vận tải và marketing có giúp tăng thu nhập hay không 
- Nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật, kinh tế và xã hội có ảnh hưởng tới giá thành đàn gia súc 
- Đánh giá các dấu hiệu thị trường đối với sản phẩm thịt bò chất lượng cao. 
• Các trở ngại kỹ thuật, xã hội và kinh tế tác động đến cơ giới hoá nông nghiệp – ví dụ như thu hoạch và chế biến mía, thu hoạch lạc. 
• Xác định chiến lược để gắn kết các bên tham gia nhằm mở rộng việc áp dụng của các nhóm nông dân và khuyến nông - những người trực tiếp tham gia nghiên cứu.

Tin cùng chuyên mục